Hội thảo về xây dựng năng lực cho thanh tra nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động trong ASEAN
08:25 21/03/2023
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì tổ chức “Hội thảo về xây dựng năng lực cho thanh tra nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, bao gồm đào tạo cho thanh tra viên lao động trong ASEAN”. Hội thảo là hoạt động bên lề của Hội nghị Thanh tra lao động ASEAN lần thứ 7 được tổ chức trong hai ngày 27-28/9/2018.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Hội thảo về xây dựng năng lực cho thanh tra nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, bao gồm đào tạo cho thanh tra viên lao động trong ASEAN

Ngày 26/9/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì tổ chức “Hội thảo về xây dựng năng lực cho thanh tra nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, bao gồm đào tạo cho thanh tra viên lao động trong ASEAN”. Hội thảo là hoạt động bên lề của Hội nghị Thanh tra lao động ASEAN lần thứ 7 được tổ chức trong hai ngày 27-28/9/2018. Đây cũng là hoạt động nhằm triển khai đề xuất liên quan tới tổ chức Hội thảo đào tạo cho các thanh tra lao động ASEAN do Việt Nam chủ trì thuộc khuôn khổ Kế hoạch công tác của Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG) giai đoạn 2016-2020. Hội thảo có sự tham gia của các đại diện thanh tra lao động ASEAN; Chủ tịch Mạng An toàn vệ sinh lao động ASEAN (ASEAN-OSHNET); Ban thư ký ASEAN; Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hiệp hội Thanh tra lao động quốc tế (IALI).

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá ngày càng phổ biến, sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong hầu hết các lĩnh vực ngày càng trở nên chặt chẽ và sâu rộng hơn. Cùng với sự tăng cường hợp tác về lao động trong khu vực, công tác thanh tra lao động nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động đối với người lao động cũng ngày càng được coi trọng. Trên cơ sở đó, việc tổ chức Hội thảo lần này nhằm mang lại cơ hội cho các bên liên quan thu thập kinh nghiệm, những thực hành tốt và cùng nhau đưa các khuyến nghị để tăng cường năng lực của các tổ chức thanh tra lao động của từng quốc gia nói riêng và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia về thanh tra lao động nói chung, hướng tới một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh khi đề cập đến các giải pháp nâng cao năng lực cho thanh tra lao động không thể không nhắc đến công tác đào tạo cho thanh tra viên. Đây luôn là vấn đề được nhắc đến nhiều trong các Hội nghị thanh tra lao động ASEAN trước đây và được đặc biệt nhấn mạnh trong khuyến nghị Hội nghị Thanh tra lao động ASEAN lần thứ nhất diễn ra tại Việt Nam và Hội nghị lần thứ 5 diễn ra tại Indonesia.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe bài trình bày tham luận đề dẫn của đại diện tới từ Tổ chức ILO và Tổ chức IALI. Qua đó, hai đại diện đã điểm qua một số nội dung hợp tác với các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực thanh tra lao động, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực cho các thanh tra viên ASEAN cũng như thông tin về các ưu tiên hợp tác của Tổ chức trong thời gian tới.

Để hiểu rõ hơn về tình hình thanh tra lao động tại các nước thành viên ASEAN cũng như phân tích để cụ thể hoá nhu cầu đào tạo của từng quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo đã áp dụng thành công tại các quốc gia và tìm ra nhu cầu đào tạo chung trong khối ASEAN, Hội thảo đã chia làm 3 phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào các nội dung: (i) tăng cường hiểu biết và kỹ năng cho thanh tra lao động về an toàn vệ sinh lao động; (ii) tăng cường hiểu biết và kỹ năng cho thanh tra viên về các tiêu chuẩn lao động chung; (iii) tái cấu trúc thanh tra viên lao động và tăng cường chất lượng của các trung tâm đào tạo và công cụ đào tạo. Kết thúc các phiên thảo luận chuyên đề, Hội thảo  đã đưa ra các lĩnh vực cần nâng cao năng lực cho thanh tra lao động, bao gồm: thanh tra lao động trong các lĩnh vực không chính thức, nguy hiểm và/hoặc khó tiếp cận; thanh tra lao động về các điều kiện việc làm bị tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thay đổi mối quan hệ lao động; kỹ năng phỏng vấn và điều tra; đánh giá rủi ro về thương tích nghề nghiệp, bệnh tật và tai nạn kể cả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME); các kỹ năng mềm bao gồm giao tiếp và quan hệ công chúng.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác cũng đã được diễn ra tại Hội thảo đó là phiên thảo luận nhóm nhằm xây dựng các khuyến nghị, đồng thời xác định cách thức và các ưu tiên để tăng cường năng lực cho thanh tra lao động nhằm nâng cao tuân thủ pháp luật lao động tại nơi làm việc. Sáu khuyến nghị được đưa ra tập trung vào: (i) tăng cường số lượng thanh tra viên lao động; (ii) đảm bảo công tác đào tạo cho các thanh tra viên và nhà quản lý; (iii) tăng cường nội dung các giáo trình và chương trình đào tạo cho thanh tra; (iv) thường xuyên rà soát nhu cầu phát triển năng lực cho đội ngũ thanh tra viên và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nhu cầu; (v) tăng cường hiểu biết của người lao động, người lao động về mức độ đóng góp của họ trong việc thúc đẩy việc tuân thủ tại nơi làm việc; (vi)  khuyến khích hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ bao gồm ILO và IALI trong việc xây dựng năng lực cho thanh tra viên. Các nội dung khuyến nghị trên của Hội thảo đã được trình bày tại Hội nghị Thanh tra Lao động ASEAN lần thứ 7 vào ngày 28/9/2018, đồng thời sẽ được báo cáo lên Cuộc họp Nhóm công tác lần thứ 11 về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG)  vào tháng 10/2018 tại Ma-lai-xia.