ASEAN được thành lập vì mục đích gì?
Người gửi:
Tuyên bố Băng-cốc khai sinh ra Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã nêu bảy mục tiêu của ASEAN là:
1) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở cho một cộng đồng các nước Đông Nam Á hòa hình và thịnh vượng.
2) Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua tôn trọng công lý và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các nước trong vùng và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
3) Thúc đẩy hợp tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề cần quan tâm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và hành chính.
4) Giúp đỡ lẫn nhau thông qua đào tạo và cung cấp các phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật và hành chính.
5) Hợp tác có hiệu quả hơn, tận dụng nền nông nghiệp và các ngành công nghiệp cùa nhau, mở rộng mậu dịch kể cả nghiên cứu các vấn đề về thương mại hàng hóa giữa các nước, cải thiện các phương tiện giao thông, liên lạc và nâng cao mức sống của nhân dân.
6) Thúc đẩy nghiên cứu về Đông Nam Á.
7) Duy trì sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có tôn chỉ và mục đích tương tự và tìm kiếm các cách thức nhằm đạt được một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức này.
Tuy Tuyên bố nhấn mạnh khía cạnh hợp tác kinh tế - xã hội, nhưng trên thực tế, các nước thành viên sáng lập ASEAN đều đặc biệt quan tâm tới tình hình an ninh - chính trị nội bộ và khu vực trong bối cảnh khu vực đang có những biến động sâu sắc do xung đột về ý thức hệ do cuộc chiến tranh Đông Dương diễn ra khốc liệt, và do sự hiện diện và can dự của các nước lớn ngoài khu vực. Vì vậy, một mục tiêu quan trọng của các nước thành viên khi thành lập ASEAN là để thúc đẩy hợp tác nhằm giữ hòa bình và ổn định chung cũng như của từng nước thành viên. Tuy nhiên, để tránh gây hiểu lầm ASEAN là một khối chính trị quân sự, có thể gây đối đầu hoặc tạo ra những căng thẳng trong khu vực, Tuyên bố Băng-cốc đã nhấn mạnh các mục tiêu kinh tế và xã hội.
Trong quá trình phát triển sau này, ASEAN đă cụ thể háa và bổ sung các mục tiêu của tổ chức để phù hợp với mức độ và nhu cầu hợp tác, cũng như tình hình thế giới và khu vực từng thời kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt và không đổi của ASEAN là tạo dựng, duy trì và củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, tạo điều kiện để các nước thành viên phát triển và hướng tới sự thịnh vượng chung.