Để nâng
cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp
nước ta có rất nhiều việc phải làm, trong đó có một số nội dung sau:
Đổi mới cơ cấu tổ chức quản lý
- Xác định rõ chức năng,
nhiệm vụ của các bộ phận trong hệ thống tổ chức kinh doanh của doanh
nghiệp, cần có sự phân biệt tương đối về tính chất, công việc của các bộ
phận, tránh sự chồng chéo, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý tập trung
đầu tư chuyên sâu và đảm bảo sự hoạt động của các bộ phận trong doanh
nghiệp một cách nhịp nhàng.
- Điều chỉnh hợp lý tổ
chức hợp với yêu cầu của đội ngũ cán bộ quản lý trong doanh nghiệp với
xây dựng mạng lưới thông tin, xác định các quyết định đưa ra một cách
chính xác, hiệu quả.
- Đảm bảo thông tin
trong nội bộ doanh nghiệp, bảo đảm mọi thành viên hiểu rõ được mục đích
của tổ chức, đạt được sự thống nhất giữa mục đích cá nhân và mục đích
của tập thể. Tổ chức thông tin trong nội bộ doanh nghiệp phải tuân thủ
các nguyên tắc sau: Thông tin phải được phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi
người, mọi cấp trong tổ chức được biết rõ ràng; các tuyến thông tin cần
trực tiếp và ngắn gọn; duy trì hoạt động của toàn bộ hệ thống thông tin
một cách thường xuyên không bị ngắt quãng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp
- Tiến hành sắp xếp bố
trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý và lao động hiện có ở các doanh
nghiệp. Cần phát hiện người có năng lực, bố trí họ vào những công việc
phù hợp với ngành nghề, trình độ và năng lực sở trường. Bổ sung những
cán bộ, lao động đủ tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển, đồng thời thay
thế những cán bộ, nhân viên không đủ năng lực, không đủ tiêu chuẩn.
- Đa dạng hóa các kỹ
năng và đảm bảo khả năng thích ứng của người lao động khi cần có sự điều
chỉnh lao động trong nội bộ doanh nghiệp. Biện pháp này sẽ giúp các
doanh nghiệp có thể dễ dàng điều chỉnh lao động khi có những biến động,
giảm được chi phí để tuyển dụng hay thuyên chuyển lao động.
- Tiêu chuẩn hóa cán bộ,
lao động trong doanh nghiệp. Do đó tiêu chuẩn hóa cán bộ phải cụ thể
hóa đối với từng ngành nghề, từng loại công việc và phải phù hợp, đáp
ứng được yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ. Áp dụng cơ chế bổ sung
và đào thải nhân lực để duy trì đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh, nhân
viên tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường.
Tăng cường hoạt động marketing hỗn hợp.
Một là, tăng
cường công tác nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường là công
việc cần thiết đầu tiên đối với bất cứ doanh nghiệp nào trong quá trình
kinh doanh. Thông qua việc nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp sẽ nắm
được những thông tin cần thiết về giá cả, cung cầu hàng hóa và dịch vụ
mà doanh nghiệp đang kính doanh hoặc sẽ kinh doanh để đề ra những phương
án chiến lược và biện pháp cụ thể được thực hiện mục tiêu kinh doanh đề
ra. Để công tác nghiên cứu thị trường đạt hiệu quả cao, các doanh
nghiệp nên tiến hành nghiên cứu thị trường theo trình tự sau: xác
định mục tiêu nghiên cứu thị trường, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu
nghiên cứu thị trường, xác định và lựa chọn phương pháp nghiên cứu, xây
dựng kế hoạch nghiên cứu, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch và viết báo
cáo.
Hai là, hoàn thiện chiến lược sản phẩm. Các
doanh nghiệp cần chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng cải tiến
nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu
dùng ngày càng đa dạng và nâng cao của xã hội. Khai thác có hiệu quả lợi
thế của quốc gia trong lựa chọn sản phẩm kinh doanh, hiện đại hóa khâu
thiết kế sản phẩm, lựa chọn hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trên
thế giới phù hợp với doanh nghiệp để nâng cao chiến lược sản phẩm.
Sản phẩm phải đảm bảo
thích nghi và đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng, kiểu dáng, mẫu
mã và bao gói. Sự thích ứng của sản phẩm với một thị trường phụ thuộc
vào 2 yếu tố cơ bản: mức độ chấp nhận người tiêu dùng cuối cùng và mức
độ sẵn sàng chấp nhận của các nhà sản xuất, của các khách hàng trung
gian (nhà bán buôn, nhà bán lẻ).
Ba là, hoàn thiện chiến lược phân phối và tổ chức lại mạng lưới bán hàng. Doanh
nghiệp nên chọn kiểu kênh phân phối dọc (đây là kiểu tổ chức kênh rất
hiệu quả và đang được áp dụng phổ biến). Tư tưởng cơ bản về hệ thống
kênh phân phối dọc là:
- Các thành viên liên
kết với nhau thành một hệ thống thống nhất, chặt chẽ, bền vững để không
bị phá vỡ bởi bất kỳ xung lực nào từ môi trường bên ngoài. Trong đó phải
có một tổ chức giữ vai trò người chỉ huy kênh (thường là nhà sản xuất).
- Tính thống nhất và sự
liên kết chặt chẽ giữa các thành viên kênh được đảm bảo bằng sự hợp tác
toàn diện và dựa trên nền tảng thống nhất lợi ích của toàn bộ hệ thống
kênh và của từng thành viên.
Để tạo lập được một hệ
thống kênh phân phối dọc, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc: đầu tư
xứng đáng để thiết kế một cơ cấu kênh phân phối tối ưu, số lượng kênh
được sử dụng và tỷ trọng hàng hóa được phân bổ vào mỗi kênh; biến cơ cấu
kênh phân phối tối ưu thành hiện thực, nghĩa là phát triển mạng lưới
phân phối và thực hiện các biện pháp để điều khiển, quản lý nó; xử lý
kịp thời có hiệu quả các mâu thuẫn, xung đột trong kênh, giải quyết các
xung đột ngay từ khi mới phát sinh; thường xuyên đánh giá hoạt động của
các thành viên kênh, để có sự quản lý và điều chỉnh hệ thống kênh một
cách có căn cứ, kịp thời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần quảng cáo uy
tín của doanh nghiệp và tính nổi trội của các dịch vụ đi theo.
Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm
Khơi dậy khả năng sáng
tạo, phát huy trí tuệ của từng cá nhân và tập thể nhằm tìm cách tối
thiểu hóa chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí nguyên liệu, chi phí
quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra, từng thành viên trong doanh nghiệp cần
tự nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề. Do đó, trước mắt cần
đẩy mạnh đầu tư và thay thế một số loại thiết bị, máy móc sản xuất đã
quá lạc hậu, cho năng suất thấp và tiêu hao nhiều năng lượng.
Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp cần
trao việc hoạch định chiến lược và sáng tạo nhãn hiệu cho các chuyên gia
nhằm mục đích là biến mình thành người thẩm định, sử dụng các dịch vụ
tư vấn như: tư vấn sáng tạo phát triển nhãn hiệu, tư vấn về pháp lý, tư
vấn kinh doanh và hoạch định chiến lược, tư vấn về quảng cáo và truyền
thông, giám sát các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn.
- Xây dựng thương hiệu
phải khơi dậy cảm xúc của khách hàng. Để xây dựng một thương hiệu được
khách hàng tin cậy thì doanh nghiệp cần phải hiểu rõ đối tượng khách
hàng của mình hơn ai hết và luôn lấy sự hài lòng của khách hàng làm
trọng tâm cho mọi hoạt động.
- Nâng cao nhận thức về
bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Việc đăng ký sở hữu công nghiệp, đăng ký độc
quyền nhãn hiệu hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thương
hiệu tại các thị trường mà doanh nghiệp có chiến lược đầu tư kinh doanh
là rất cần thiết.
Hoàn thiện hệ thống thông tin, chủ động áp dụng thương mại điện tử trong điều hành kinh doanh.
- Xây dựng các chi nhánh nhằm thu được thông tin chính xác, kịp thời về giá cả, chất lượng, điều kiện giao hàng…
- Liên kết với các bạn
hàng truyền thống để họ có thể giúp đỡ trong việc thông tin. Xây dựng
một đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm nghiên cứu đầy đủ, cung cấp thông
tin về thị trường có thể dự báo về các biến động của thị trường.
- Chủ động xây dựng và
triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế (như ISO:
9000, về quản lý chất lượng, HACCP/ISO 22.000 về quản lý vệ sinh an toàn
thực phẩm, OHSSAS 18.000 về sức khỏe công nghiệp và ISO: 14.000 về quản
lý môi trường...) vì kinh doanh trên mạng đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn
hóa sản phẩm và chất lượng.
Tuy nhiên, muốn nâng cao
được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng cần phải có sự hỗ trợ từ
phía Nhà nước. Xét ở góc độ vĩ mô, Nhà nước cần tập trung vào một số
vấn đề sau:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý nhằm hình thành và đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường.
- Thực hiện mạnh mẽ cải
cách thủ tục hành chính; sắp xếp lại các cơ quan quản lý nhà nước theo
yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
- Tiếp tục cải cách hệ
thống giáo dục, đào tạo, thực hiện xã hội hóa và chấp nhận cơ chế thị
trường trong đào tạo đại học các ngành kỹ thuật, dạy nghề nhằm nâng cao
đội ngũ nguồn nhân lực.
- Tập trung phát triển
kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin của nền kinh tế và
phát huy vai trò của các hội, hiệp hội ngành nghề./.
TS. Phạm Tất Thắng
(Báo Điện tử Đảng Cộng Sản)